Cách Trả Lời Những Câu Hỏi Phỏng Vấn Thường Gặp Nhất Trong Ngành Công Nghệ

blog image

Không ứng viên nào thực sự thư giãn trong quá trình phỏng vấn. Bạn biết điều đó và người phỏng vấn cũng biết điều đó.

Việc giãi bày những suy nghĩ của bạn cho một software engineer, team lead hay quản lý tuyển dụng nghe thật đáng sợ làm sao. Trong quá trình tìm kiếm ứng viên cho những công ty công nghệ hàng đầu châu Á, chúng tôi nhận thấy có một số câu hỏi thường được lặp đi lặp lại.

Khó làm hài lòng người phỏng vấn? Dưới đây là cách trả lời những câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất và nhận thư offer từ các công ty công nghệ hàng đầu.

1. Bạn có quen thuộc với ngôn ngữ lập trình này không?

3 trường hợp thường gặp nhất là: bạn biết ngôn ngữ đó, không biết rõ lắm hoặc không biết chút gì về nó.

Nếu bạn thành thạo ngôn ngữ lập trình được hỏi, hãy trình bày những lợi thế của mình và nói về các lựa chọn bạn yêu thích.

Nếu bạn chỉ biết những thứ cơ bản thì sao? Bạn không cần phải tỏ ra mình là một chuyên gia kỳ cựu. Hãy nhấn mạnh cách bạn giải quyết vấn đề bằng lượng kiến thức hiện có.

Còn nếu bạn không biết gì hết? Hãy cho thấy bạn thích làm việc với các ngôn ngữ mới. Bạn nên nhớ rằng các công ty công nghệ đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực và họ đã xem qua CV của bạn rồi. Họ đang tìm những người có thể học hỏi và thích nghi tốt.

2. Đâu là dự án thách thức nhất bạn từng làm?

 

Khoan! Thật ra họ không quan tâm đến dự án đâu. Họ đang muốn nghe xem bạn nói gì.

Phương án tốt nhất là thể hiện ra rằng bạn phấn khích trước những thử thách, bạn có thể đưa ra những giải pháp sáng tạo và bạn làm việc nhóm tốt.

Bạn nên chuẩn bị trước cho câu hỏi này. Hồi tưởng lại những dự án bạn đã làm: điều gì thôi thúc bạn, bạn đóng góp nhiều nhất ở phần nào, bạn đã vượt qua những khó khăn nào? Hãy trình bày với người phỏng vấn về những vấn đề bạn đã đối mặt, những phương án bạn đã đưa ra và logic của chúng.

Mẹo: thử nói chuyện với một người bạn trước, cố giữ hứng thú của người đó và chỉnh sửa độ dài câu chuyện cho phù hợp.

3. Bạn làm việc tốt nhất khi ở một mình hay khi làm cùng team?

Đây là một câu hỏi mẹo. Nghe có vẻ bạn phải chọn một trong hai nhưng thật ra bạn không nên làm thế. Người phỏng vấn muốn bạn vừa làm việc độc lập tốt vừa làm việc nhóm tốt. Câu trả lời an toàn là: “Tôi muốn tự làm phần việc của mình trong dự án nhưng tôi cũng thích chia sẻ ý tưởng và làm việc cùng người khác.” Không phải tự nhiên teamwork và kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm được săn đón nhất ở developer.

4. Bạn có sẵn lòng làm một bài test lập trình không?

Câu này có thể có có thể không, nhưng bạn nên chuẩn bị sẵn tâm lý. Hãy nhớ: người phỏng vấn không chỉ đánh giá kết quả mà còn đánh giá cách bạn giải quyết vấn đề.

Hãy làm quen với dạng đánh giá này và luyện tập, luyện tập không ngừng nghỉ. Có hàng trăm website giúp bạn làm điều đó, ví dụ như CodewarsTopcoder. Nhiều trang, ví dụ như Pramp, được thiết kế để giúp bạn vượt qua các bài test khi phỏng vấn.

Có lúc bạn lại nhận một vấn đề brainstorm thay vì một bài test về lập trình.

Mẹo:

  • Nói ra mọi suy nghĩ của mình.
  • Dùng “chúng ta” thay vì “tôi” như thể bạn đã là một phần của team.
  • Đặt câu hỏi và tìm gợi ý.
  • Đừng hấp tấp, hãy suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra câu trả lời.

5. Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?

Đây là một cái bẫy tinh vi đấy! Đừng đưa ra một con số nào cả trừ khi họ đã cho bạn biết ngân sách để trả cho vị trí này. Bạn sẽ không muốn nhắm quá cao hay quá thấp nên hãy nghiên cứu kỹ, đọc các báo cáo lương gần đây và định ra mức lương trung bình cho vị trí của bạn. Đây sẽ là cái neo cho các cuộc đàm phán lương.

Bạn nên nói gì trong trường hợp này? Hãy trả lời những câu đại loại như là: “Tôi đang tìm kiếm một offer thỏa đáng, tôi muốn biết thêm về các phúc lợi của công ty.” Thử hỏi về khoảng lương của vị trí này. Dù đáp án có thể gây nản chí nhưng ít nhất bạn cũng biết mình sẽ không phí phạm thời gian thêm nữa. Bạn nên biết rõ giá trị của mình và đừng gật đầu ngay trước offer đầu tiên dù nó có hơi cao hơn dự kiến của bạn bởi thỏa thuận thêm chút nữa cũng không ảnh hưởng gì.

6. Bạn cập nhật kỹ năng của mình bằng cách nào?

Bạn biết phải trả lời như thế nào rồi đó. Nói về việc đọc blog, học các khóa học online, làm các dự án cá nhân trong thời gian rảnh. Người phỏng vấn đang đánh giá sự nhiệt huyết và thái độ sẵn sàng học hỏi của bạn. Đây là cơ hội tốt để nhắc về những đam mê của bạn và thảo luận về phương hướng phát triển của bạn tại công ty.

Mẹo: nhắc việc đi dự các sự kiện công nghệ, workshop và hackathon sẽ thể hiện bạn là một thành viên năng nổ trong cộng đồng và luôn cập nhật các xu hướng công nghệ mới nhất, từ đó giúp bạn nổi bật hơn.

7. Những câu hỏi lạ hoặc những câu hỏi không liên quan mà bạn không biết trả lời

Người phỏng vấn rất thích đưa ra những câu hỏi chẳng có tí liên quan tới JD của bạn. Một vài ví dụ thực tế là “Có bao nhiêu cây đèn đường ở London?”, “Tiền có màu gì?” hay “Hãy thiết kế một kệ đựng gia vị cho người mù.”

Bạn không thể chuẩn bị trước cho những câu hỏi kiểu này vì chúng được dùng để đánh giá khả năng phân tích và sáng tạo ý tưởng của bạn. Vậy bạn nên giải quyết tình huống này ra sao?

Hãy nhớ rằng phỏng vấn không phải một bài thi mà là một cuộc đối thoại.

Đừng ngại đưa ra những đáp án ước lượng. Khi nói về giải pháp của mình, hãy xác định rõ các điều kiện bằng các cụm từ như “đúng không?”. Khiến người phỏng vấn đồng tình với mình và cho thấy bạn có thể giải quyết các vấn đề phức tạp bằng lượng tài nguyên giới hạn.

Kết thúc phỏng vấn

Đừng quên hỏi thêm về công ty. Bạn nên chuẩn bị trước vài câu hỏi để tránh bị khựng. Hãy cố kết thúc buổi phỏng vấn bằng thái độ tích cực và khen cách đặt câu hỏi của người phỏng vấn nếu được.

Dù buổi phỏng vấn có ra sao đi chăng nữa, đừng quên bày tỏ sự cảm kích của mình. Bạn nên cảm ơn mọi người vì đã dành thời gian cho bạn và đừng quên gửi một email follow-up.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x