3 Câu hỏi dành riêng cho sinh viên đại học

Trải nghiệm thực tập trước khi tốt nghiệp là một điều rất quan trọng, và chắc hẳn tất cả chúng ta đều hiểu được điều đó. Nếu sau khi tốt nghiệp mà bạn vẫn chưa có cho mình kinh nghiệm thực tế nào, bạn đã “ăn” chắc một điểm trừ kha khá trong trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu hoàn thành được công việc thực tập phù hợp trước tốt nghiệp, bạn sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các ứng viên khác. Tuy nhiên, trước khi “rải” CV khắp nơi, bạn phải thực sự hiểu được bản thân mình và những gì mình muốn đạt được. Việc định hướng rõ ràng sẽ giúp bạn tránh lãng phí thời gian nộp đơn vào những nơi mình không thật sự thích. Một giờ lập kế hoạch sẽ giúp bạn tiết kiệm thêm vài giờ làm việc!

Vậy thì, bạn có thể bắt đầu từ đâu?

Hãy tự hỏi bản thân 3 câu hỏi quan trọng dưới đây để hiểu rõ hơn về những gì mình đang tìm kiếm.

1. Đam mê của bạn là gì?

Đây có thể là một câu hỏi khó đối với một số người. Tuy nhiên, kể từ lúc này, bạn nên bắt đầu nghĩ về nó nhiều hơn, bởi đam mê sẽ chính là yếu tố quyết định con đường sự nghiệp sau này của bạn. Ngoài ra, nếu bạn đang loay hoay tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi lớn này, thì việc kết nối và nói chuyện với những người khác nhau là một cách khá ổn. Những người đó có thể là học sinh lớp 12, bạn bè, hoặc thậm chí là những người mà bạn quen biết từ các sự kiện.

Nếu may mắn hơn, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện với những người đã hoặc đang làm việc trong ngành, và được truyền cảm hứng bởi câu chuyện của họ để theo đuổi con đường mình muốn. Tuy nhiên, dù kết quả của những cuộc trò chuyện này có là gì, thì bạn cũng nên nhớ rằng việc tự mình trải nghiệm con đường mình muốn đi mới là điều quý giá nhất.

Bạn có thể nói chuyện với hàng trăm người và nghe cả hàng nghìn câu chuyện kể. Có điều, hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn mới là người nắm giữ ngòi bút viết nên cuộc đời mình. Và khi bạn biết được mình thích hoặc đam mê điều gì, bạn đã tiến thêm một bước lớn. Việc tiếp theo cần làm chính là tham gia một kỳ thực tập, để từ đó biết được liệu đam mê hoặc sở thích đó có thực sự phù hợp với mình hay không.

2. Bạn đang có và thiếu những kỹ năng nào?

Việc tham gia một kỳ thực tập sẽ giúp bạn trau dồi cả kỹ năng mềm và kỹ năng cứng của mình. Lúc này, bạn hãy ngồi lại và đặt bút so sánh giữa những kinh nghiệm mình có trong quá khứ và các kỹ năng cần được trau dồi ở hiện tại. Các kinh nghiệm này có thể đến từ bất cứ đâu: một dự án mà bạn đã thực hiện ở trường, một ban tổ chức hoặc một câu lạc bộ sinh viên mà bạn đã từng tham gia. Tất cả những kinh nghiệm đó ngoài việc tạo điểm sáng cho CV, còn giúp bạn sở hữu những kỹ năng tốt để áp dụng trong công việc.

Sau đó, bạn hãy lập một danh sách bao gồm những kỹ năng mình đã đạt được, và những kỹ năng mình cần có trong tương lai gần. Và nếu bạn sở hữu thêm kỹ năng mới nào, hãy chuyển chúng sang cột kỹ năng đã đạt được.

Khi tạo danh sách này, hãy viết ra những điều chi tiết nhất có thể. Đối với những kỹ năng cần đạt được, bạn có thể tham khảo từ việc xem CV của những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành mình muốn theo đuổi. Cuối cùng, chính danh sách này sẽ trở thành chiếc la bàn hữu ích giúp bạn biết được vị trí hiện tại của mình trong ngành, cũng như xác định được những công việc có giá trị đối với bạn tại thời điểm đó.

3. Bạn phù hợp với môi trường làm việc như thế nào?

Cuối cùng, bạn cần phải biết được kiểu môi trường làm việc mà mình sẽ phù hợp và có thể phát triển tốt nhất. Một số người sẽ thích làm việc ở những công ty lớn với bộ máy vận hành đã đi vào guồng, một số khác sẽ thích môi trường năng động tại các công ty khởi nghiệp. Bạn có thể nói chuyện với những người làm việc trong những nơi khác nhau để hiểu rõ hơn ưu, nhược điểm của từng loại môi trường.

Tuy nhiên, tất cả tham khảo đều chỉ là khách quan, bởi những câu chuyện kể và lời khuyên bạn được nghe đều sẽ mang màu sắc chủ quan của người kể. Bạn sẽ không biết được một môi trường thực sự  như thế nào cho đến khi bạn làm việc tại đó. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hiểu hơn về phong cách làm việc và sở thích của bản thân thông qua các buổi học yêu cầu làm việc theo nhóm ở trường. Bên cạnh đam mê, việc biết được mình phù hợp với điều gì cũng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tìm được nơi thực tập lý tưởng.

Sau khi đã tự hỏi mình 3 câu hỏi này và dành thời gian để trả lời chúng, hẳn là bạn đã có thể hiểu rõ hơn về những gì mình muốn cũng như định hình được công việc thực tập bản thân muốn tìm kiếm. Một lưu ý nhẹ nhàng cho bạn, quá trình tự khám phá chính mình là một quá trình liên tục và không có điểm dừng. Cho nên, đừng quá vội vàng tìm kiếm câu trả lời. Hãy tin tưởng vào bản thân và tận hưởng cuộc hành trình sắp đến!

Theo dõi blog để đọc thêm nhiều lời khuyên nghề nghiệp hữu ích!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x