Cách Châu Á đang trở thành tâm điểm mới của Hardware, Công nghệ Haptic và IoT
Phần cứng (Hardware) trước kia được dùng để chỉ các máy móc và thành phần vật lý cho hệ thống điện tử hoặc máy tính.
Thuật ngữ này hiện nay được dùng để chỉ các thiết bị điện tử tiêu dùng: điện thoại, máy tính bảng và bất kỳ phụ kiện điện tử nào khác, và thậm chí là hai đột phá mới trong công nghệ: Haptics và Internet of Things (IoT). Trên thực tế, các thị trường phần cứng lớn nhất đang tạo ra các sản phẩm đột phá nhất ở châu Á không phải là Hàn Quốc và Nhật Bản, mà là Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Những quốc gia này đều có cùng một lợi thế chính: không có di sản IT.
Định nghĩa cơ bản về công nghệ Haptic và Internet of Things (IoT)
Công nghệ Haptic tái tạo xúc giác bằng cách áp dụng lực, độ rung hoặc chuyển động vào trải nghiệm của người dùng. Hiện nay nhu cầu haptics trong y học, chế tạo ô tô và game ngày càng tăng. Nhiều người coi haptics là một yếu tố thiết yếu đang cần bổ sung trong thực tế ảo (VR), vì VR không chỉ cần tới chức năng độ phân giải màn hình mà cần tích hợp thêm xúc giác cho một trải nghiệm hoàn chỉnh.
IoT – Internet of Thing là thuật ngữ chỉ một mạng lưới các thiết bị kết nối với internet và có thể giao tiếp với nhau bằng gửi và trao đổi dữ liệu. Ta đều biết tới giá trị của công nghệ này cho các ngôi nhà, với các sản phẩm như Amazon Echo, Nest và Google Home. Bên cạnh đó, có một số ứng dụng IoT khác khá quan trọng như kết nối hệ thống nhà máy, hậu cần, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và kiểm soát chất lượng, v.v.
Bối cảnh thị trường
Thị trường IT hardware trong năm 2018 được dự báo đạt giá trị 414.6 tỷ USD chỉ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Khu vực này cũng có thị trường công nghệ haptic lớn nhất thế giới vào năm 2015, với sự xuất hiện của các công ty bán dẫn và sản xuất điện tử tiêu dùng lớn (chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan).
Trên toàn thế giới, thị trường công nghệ haptic được dự báo trị giá 19.55 tỉ USD vào năm 2022, với tỉ lệ tăng trưởng kép 16.2% từ 2016 tới 2022, trong khi đó điện tử tiêu dùng chiếm thị phần lớn nhất, dự báo thị trường lớn nhất nằm ở châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể hơn ở Trung Quốc, năm 2017, thị trường công nghệ haptic chiếm tới khoảng 34,6% và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 38,1% vào năm 2026. Hiện tại thị trường IoT được ước tính hơn 1 tỷ USD kể từ năm 2017. Tới năm 2025, ta mong đợi có khoảng hơn 75,44 tỷ thiết bị được kết nối trên toàn cầu.
Tuy nhiên, bất chấp sự ra đời của haptics và IoT, PC và máy tính bảng vẫn là mảng lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của thị trường phần cứng, lý giải bởi nguồn nhân lực trí óc đang không ngừng gia tăng tại các thị trường ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Các tập đoàn công nghệ như Dell, Fujitsu, HP, Lenovo, IBM, Apple, Microsoft và Samsung đang có mặt trên toàn châu Á. Mặt khác, ta cũng đang chứng kiến sự “trỗi dậy” của các tên tuổi tới từ châu Á như Tencent, Huawei, ZTE, BGI, Alibaba và Baidu trên thị trường toàn cầu.
Máy hút bụi không dây và không túi, sản phẩm chủ chốt của Dyson, công ty có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ ở châu Á.
Dyson là ví dụ điển hình cho thấy xu hướng biến đổi trong thị trường hardware truyền thống. Từng được biết đến với máy hút bụi không túi và quạt không cánh, Dyson muốn phát triển, sản xuất và bán nhiều sản phẩm hơn ở châu Á. Ba năm sau khi vào Trung Quốc, doanh số của Dyson đã tăng tới 244%. Thêm vào đó, doanh thu sản phẩm của hãng này tại Nhật Bản đã tăng hơn 30% các sản phẩm thương hiệu, tái khẳng định tình yêu lâu dài của họ dành cho Dyson. Vào tháng 2 năm 2018, Dyson chính thức khai trương Trung tâm Công nghệ Singapore với chi phí 420 triệu USD. Ai cũng có thể thấy được tiềm năng của thị trường sản xuất và chế tác sản phẩm phần cứng tại châu Á.
Ta không thể nói về thị trường phần cứng ở châu Á mà không đề cập tới Thâm Quyến. Từ một làng đánh cá nhỏ với dân số khoảng 300,000 người luôn trong cảnh nghèo đói, Thâm Quyến đã chuyển mình mạnh mẽ thành một trung tâm phát triển công nghệ và kinh tế hiện đại với dân số hiện nay khoảng 12 triệu. Đây cũng là quê hương của chợ điện tử Hoa Cường Bắc, nơi hàng trăm cửa hàng và người bán, sửa chữa và tái chế phần lớn các linh kiện và thiết bị điện tử. Các “nhà sáng chế” (như cách họ gọi ở đây), bán các sản phẩm của họ, lấy cảm hứng từ các sản phẩm mới ra mắt trên thị trường.
Mặt khác, Đông Quan và Phật Sơn đã nhanh chóng trở thành trung tâm của IoT, với sự ra đời của nhiều sản phẩm và thiết bị mang tính đột phá.
Hoa Cường Bắc, chợ điện tử lớn nhất Thâm Quyến, nơi các “nhà phát minh” mua bán và chế tạo lại các sản phẩm điện tử.
Ba hệ sinh thái, nhà ươm mầm hàng đầu cho công nghệ đột phá ở Trung Quốc
Thị trường IoT và haptics ở châu Á phát triển đầy hứa hẹn không chỉ nhờ Thâm Quyến, mà còn là hệ sinh thái mới nổi của các sản phẩm sáng tạo. Có rất nhiều chương trình tăng tốc và vườn ươm nổi lên hàng năm cho các startup về công nghệ. Dưới đây là ba cái tên nổi bật trong số đó.
Hax: tổ chức ươm mầm khởi nghiệp phần cứng, có văn phòng tám tầng trên đỉnh một toà nhà rộng 42.000 feet vuông và được trang bị tất cả các đồ đạc tiêu chuẩn được tìm thấy trong không gian làm việc chung điển hình – buồng điện thoại, phòng họp, bàn bóng bàn và khán phòng tổ chức sự kiện hay các buổi pitching cho startup.
Airmaker: một chương trình tăng tốc khởi nghiệp đa quốc gia chủ yếu cho các startup, có văn phòng ở Digital Health and Smart Nation space của Singapore (liên kết giữa Singapore và Thâm Quyến).
Brinc: chương trình tăng tốc khởi nghiệp hàng đầu thế giới chuyên về IoT & Connected Hardware, máy bay không người lái, robot và công nghệ thực phẩm. Các chương trình này cung cấp đội ngũ chuyên gia, nguồn tài chính và phương tiện để phát triển và nâng cấp sản phẩm.
Lợi thế mà châu Á nắm giữ trong việc nắm bắt các cơ hội mới được đưa ra bởi haptics và IoT đã rất rõ ràng. Yếu tố đầu tiên là một hệ sinh thái phần cứng tích hợp đầy đủ với các vườn ươm mầm hỗ trợ các phát minh và sản phẩm tân tiến. Thứ hai, tích hợp với những khu vực “nóng” như Thâm Quyến, Đông Quan và Phật Sơn – nơi thay đổi ý tưởng đơn thuần từ sản phẩm khả thi tối thiểu sang các thiết bị điện tử tiêu dùng. Cả quá trình chỉ mất một phần ba thời gian so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Điều quan trọng nhất là châu Á đã và đang nắm bắt được những lợi thế ban đầu này để tạo ra con số 75,44 tỷ thiết bị được kết nối trong năm 2025.